PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN AN LÃO
TRƯỜNG THCS AN THẮNG
HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI CẤP HUYỆN
NĂM HỌC 2021-2022
BÁO CÁO
BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
MÔN: SINH HỌC
TÊN BIỆN PHÁP
Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua bài giảng sinh học 8
Tác giả:Lê Thị Thanh Mát
Giáo viên trường THCS An Thắng
Tổ chuyên môn :KHTN
An Lão, tháng 11 năm 2021
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN AN LÃO
TRƯỜNG THCS AN THẮNG
HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI CẤP HUYỆN
NĂM HỌC 2021-2022
BÁO CÁO
BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
MÔN: SINH HỌC
TÊN BIỆN PHÁP
Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua bài giảng sinh học 8
Tác giả:Lê Thị Thanh Mát
Giáo viên trường THCS An Thắng
Tổ chuyên môn :KHTN
|
An Lão, tháng 11 năm 2021
|
XÁC NHẬN CỦA HIỆU TRƯỞNG
Biện pháp trên đây đã được đồng chí............................
Áp dụng tại nhà trường và đạt hiệu quả........................
Kết quả này chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân đồng chí.......................................
Hiệu trưởng
|
TÁC GIẢ
Lê Thị Thanh Mát
|
|
MỤC LỤC
I. MỞ ĐẦU
- Tính cấp thiết
- Mục tiêu
- Đối tượng và phương pháp thực hiện
II. NỘI DUNG
- Cơ sở lý luận
- Thực trạng
- Các biện pháp thực hiện
- Thực nghiệm sư phạm
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
- Nêu ưu điểm và hạn chế
- Phương hướng khắc phụ hạn chế
- Khả năng triển khai và nhân rộng rãi các biện pháp
IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tên biện pháp: Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua bài giảng Sinh học 8.
I. MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết:
Nước ta đang bước vào thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa, thế giới đang trong thời kì bùng nổ tri thức, khoa học và công nghệ. Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, phương pháp thi,kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo. Trong đó đổi mới phương pháp dạy học được đặt lên hàng đầu nhằm đào tạo những con người năng động, sớm thích nghi với đời sống xã hội.
Thực tiễn dạy học nhiều năm ở trường phổ thông cho thấy nhiều học sinh còn thiếu năng lực thích nghi với môi trường sống tập thể, khả năng tự chủ và khả năng giao tiếp lại rất kém, nguyên nhân sâu xa là do các em thiếu kĩ năng sống.
Một số trường còn quan niệm dạy học là dạy kiến thức chứ chưa dạy các em thái độ, năng lực ứng xử trong các mối quan hệ (với con người, với môi trường thiên nhiên,….). Hơn nữa giáo viên bộ môn với 45 phút phải lo truyền tải các nội dung bài dạy. Trong nhiều năm qua nhiệm vụ này được xem là của giáo viên chủ nhiệm và hoạt động Đoàn – Đội, giáo viên dạy kĩ năng sống.
Là một giáo viên Sinh học, tôi nhận thấy mỗi bài học môn Sinh học đều có giá trị và ý nghĩa thực tiễn rất cao. Chính vì thế, việc lồng ghép giáo dục năng lực sống cho học sinh thông qua môn sinh học, tổ chức các hoạt động để các em chủ động nghiên cứu và khai thác kiến thức là việc làm rất cần thiết. Hình thành kĩ năng sống thông qua kiến thức đã học giúp kích thích trí thông minh, óc sáng tạo trong việc giải quyết những tình huống thực tế mà các em sẽ gặp trong cuộc sống. Nắm bắt tinh thần đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018: Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hoà đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh biến học sinh thành chủ thể của quá trình nhận thức, các phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt được mục tiêu đó. Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục tiểu học, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học.
Xuất phát từ thực tế trên chúng tôi mạnh dạn trình bày một số kinh nghiệm trong việc “Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua bài giảng sinh học 8” nhằm mục đích khơi nguồn năng lực sống, năng lực tâm lý xã hội để các em được phát triển toàn diện cả về Đức - Trí - Thể - Mỹ.
2. Mục tiêu
- Đào đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có tri thức, có đạo đức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp. Hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực cho học sinh.
- Giáo dục trí dục, giáo dục năng lực trong đó năng lực bao hàm giáo dục năng lực sống mà chúng ta nghiên cứu trong sáng kiến kinh nghiệm này.
- Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lí luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
3. Đối tượng và phương pháp thực hiện:
3.1. Đối tượng:
Nhiều năm tham gia giảng dạy Sinh học 8 nên tôi chọn đối tượng là học sinh hai khối lớp này tại trường THCS An Thắng để thực hiện thực nghiệm giải pháp nâng cao chất lượng môn học thông qua “Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua bài giảng sinh học 8”
3.2. Phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp thực nghiệm, điều tra
- Phương pháp quan sát
- Phương pháp kiểm tra, đánh giá
- Phương pháp tạo nhu cầu nhận thức có mong muốn tìm hiểu các hiện tượng sinh học.
- Phương pháp hướng dẫn học sinh tự lực tham gia vào các hoạt động học tập.
- Tạo điều kiện cho học sinh bộc lộ khả năng nhận thức, trình bày và tự bảo vệ ý kiến của mình khi thảo luận, tranh luận.
- Khuyến khích học sinh thắc mắc, nêu tình huống có vấn đề và tham gia giải quyết vấn đề khi học sinh nghiên cứu kiến thức.
II. NỘI DUNG
1. Cơ sở lý luận
Giáo dục kỹ năng sống là: một quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch nhằm hình thành năng lực hành động tích cực, có liên quan tới kiến thức và thái độ, giúp cá nhân có ý thức về bản thân, giao tiếp, quan hệ xã hội, thực hiện công việc, ứng phó hiệu quả với các yêu cầu thách thức của cuộc sống hàng ngày…
Kỹ năng sống thúc đẩy sự phát triển cá nhân, cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp cho con người xây dựng một xã hội có văn hóa. Các kỹ năng sống có được thông qua rèn luyện. kỹ năng sống chỉ được hình thành thông qua giáo dục, đào tạo và rèn luyện. Các kỹ năng sống có liên quan và hỗ trợ cho nhau. Ví dụ: kỹ năng tư duy sáng tạo giúp cho con người tăng khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra các quyết định.
Kỹ năng sống được hình thành theo nhiều cách khác nhau, tùy vào môi trường sống và giáo dục…
Đối với học sinh, nhất là học sinh bậc trung học cơ sở, giáo dục kỹ năng sống là môn học trang bị những tri thức giúp học sinh hình thành những kỹ năng sống cần thiết, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con người với môi trường sống. Thông qua hoạt động Giáo dục kỹ năng sống sẽ trang bị thêm cho học sinh những kỹ năng tự chủ, kỹ năng từ chối, khả năng tự đưa ra quyết định và thích nghi, biết chấp nhận, hóa giải được những tác động tiêu cực trong cuộc sống chung quanh. Công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh chỉ đạt được kết quả tốt khi nó có sự tác động đồng thời của các lực lượng giáo dục: Nhà trường, gia đình và các lực lượng xã hội.
Hiện nay, nhiều nhà trường cũng đã bắt đầu chú ý đến việc dạy kỹ năng sống và chủ động tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua tích hợp trong các môn học phù hợp hoặc được tổ chức như hoạt động ngoài giờ lên lớp. Theo PGS,TS Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục,Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, để truyền đạt hiệu quả kiến thức về kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là học sinh ở lứa tuổi nhỏ thì phương pháp giáo dục kỹ năng sống đặc trưng là thực hành và trải nghiệm. Giáo dục kỹ năng sống không phải là dạy và nhớ điều gì đó mà làm được những điều cần thiết để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Việc dạy kỹ năng sống trong nhà trường, bên cạnh việc hướng đến mục tiêu đưa các bài học về kỹ năng sống phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và đáp ứng được tính thực tế, phù hợp với tình hình chung của mỗi nhà trường; thì nội dung mỗi bài học được chuyển đến học sinh cũng phải là những câu chuyện thú vị, tình huống gần gũi, trực quan sinh động và quan trọng nhất là có các bài tập trải nghiệm. Có vậy, các em học sinh mới nắm bắt được bản chất vấn đề và ghi nhớ điều đó một cách tự nhiên, lâu bền và có tác động mạnh đến việc kích thích sự thay đổi trong hành vi.
2. Thực trạng
Đối với học sinh THCS ngoài việc học tập, trau dồi kiến thức, nhưng cùng với đó thì trẻ cũng cần phải được rèn luyện và nâng cao các kỹ năng sống để giúp trưởng thành hơn trong tương lai. Dưới đây là một số định hướng phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THCS :
Tự bảo vệ và chăm sóc cho bản thân: Đây được xem là kỹ năng sống cực kỳ quan trọng đối với học sinh ở độ tuổi học THCS vì sẽ giúp HS có khả năng tự lập tốt hơn. Đối với kỹ năng này thì trẻ phải có một nhận thức về bản thân có thể thực hiện được những công việc gì hàng ngày. Với các mức độ cao hơn thì HS cũng cần phải được dạy các phương pháp sử lý.
Quản lý cảm xúc cá nhân: Khi trẻ ở độ tuổi học THCS thường rất ngang bướng và đề cao cái tôi cái nhân rất lớn. Chính vì thế ở độ tuổi này cần phải giải dạy kỹ hơn về các cảm xúc của mình và làm chủ nó một cách tốt nhất. Đây cũng là phương pháp có thể giúp trẻ em kiểm soát được tốt bản thân của mình và tránh xa những hành động tiêu cực.
Giáo dục kỹ năng làm việc nhóm: Kỹ năng làm việc nhóm được xem là yếu tố quyết định đến sự thành công của công việc. Ở độ tuổi này việc cùng nhau hợp tác là không dễ dàng một chút nào. Chính vì thế, kỹ năng làm việc nhóm ở học sinh THCS sẽ giúp kiềm chế được những cái tôi cá nhân của mình đồng thời giúp trẻ có thêm khả năng lắng nghe và chia sẽ cũng như tôn trọng các ý kiến của người khác.
Giáo dục kỹ năng giao tiếp và ứng xử: Đây cũng là kỹ năng sống cơ giúp cho học sinh luôn ý thức và biết được cách ứng xử và giao tiếp sao cho phù hợp với hoàn cảnh nhất. Điều này cũng giúp cho trẻ hình thành được những mối quan hệ tốt đẹp nhất.
Giáo dục kỹ năng giải quyết vấn đề: Đây được coi là kỹ năng quan trọng nhất, kỹ năng này bao gồm: phân tích, lên phương án giải quyết, thực hiện và kiểm tra kết quả.
3. Các biện pháp thực hiện:
a, Trong khi thực hiện dạy Sinh học 8, để phát triển các KNS cho HS, tôi phân loại các kĩ năng,
chia làm 4 nhóm:
* Kĩ năng tìm kiếm, xử lí thông tin, hợp tác, lắng nghe, trình bày suy nghĩ ýtưởng trước nhóm, tổ, lớp.
* Kĩ năng sống tự phục vụ, chăm sóc bản thân liên quan đến thể chất sứckhỏe.
* Kĩ năng sống liên quan đến tự nhận thức, thực hành.
* Kĩ năng điều chỉnh và quản lí cảm xúc, tinh thần, sống lành mạnh, bảovệ môi trường .
b. Phân loại các loại bài dạy trong chương trình sinh học 8 có thể lồng ghép giáo dục kỹ năng sống:
b.1. Kĩ năng tìm kiếm, xử lí thông tin, hợp tác, lắng nghe, trình bày suy nghĩ ý tưởng trước nhóm, tổ, lớp.
Kĩ năng này có thể áp dụng ở hầu hết các bài trong chương trình sinh học 8 qua các phương pháp, kĩ thuật dạy học nhóm, vấn đáp, tìm tòi.
Hình 1. Học sinh thảo luận nhóm, phân công nhiệm vụ tự học.
b.2 Kĩ năng sống tự phục vụ, chăm sóc bản thân liên quan đến thể chất sức khỏe qua các bài:
- Cấu tạo cơ thể người
- Đông máu và nguyên tắc truyền máu
- Tiến hóa hệ vận động. Vệ sinh hệ vận động
- Vận chuyển máu qua hệ mạch. Vệ sinh hệ tuần hoàn
- Cấu tạo và chức năng của da
- Chủ đề: Một số cơ quan phân tích
- Phản xạ có điều kiện và phản xạ không điều kiện
- Vệ sinh hệ thần kinh
b.3 Kĩ năng sống liên quan đến tự nhận thức, thực hành qua các bài:
- Cơ quan sinh dục nam
- Cơ quan sinh dục nữ
- Cơ sở khoa học các biện pháp tránh thai
- Bệnh tình dục
- Đại dịch AIDS- thảm họa loài người
- Cơ chế xác định giới tính
b.4. Kĩ năng điều chỉnh và quản lí cảm xúc, tinh thần, sống lành mạnh, bảo vệ môi trường.Tùy bài mà đưa vào cho phù hợp tránh gượng ép, miễn cưỡng. Ví dụ như bài:
- Phản xạ có điều kiện và phản xạ không điều kiện
- Vệ sinh hệ thần kinh
- Cơ sở khoa học các biện pháp tránh thai
- Bệnh tình dục
- Đại dịch AIDS- thảm họa loài người
c. Vận dụng rèn luyện năng lực thông qua bộ môn:
Để việc lồng ghép rèn luyện năng lực thông qua bộ môn sinh học 8,9 đạt hiệu quả cao, tránh gò bó, đi quá đà ảnh hưởng đến nội dung bài dạy thì đòi hỏi giáo viên cần phải chuẩn bị đầy đủ và đúng các quy trình của một tiết dạy. Khâu dặn dò rất cần thiết nên giáo viên giành 3 phút để dặn dò các em. Có dặn dò kĩ các em mới chuẩn bị bài tốt và như thế tiết học mới đạt hiệu quả cao.Và khâu
chuẩn bị giáo án của giáo viên cũng được đổi mới. Giáo viên phải đưa ra các câu hỏi có phát huy tính tích cực phù hợp với mọi đối tượng, thực tế, gần gũi với các em thì mới giáo dục năng lực có kết quả cao.
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được thực hiện xuyên suốt cả năm học. Để cô đọng, tôi xin minh họa vấn đề này ở một số bài về một vài kỹ năng sống. Cụ thể như:
c.1 Kĩ năng sống tự phục vụ, chăm sóc bản thân liên quan đến thể chất sức khỏe:
* Trong bài: Đại não
- Tại sao đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm?
- Tại sao người bị tai nạn chấn thương sọ não có người bị liệt, bị câm, bị điếc,
mất trí nhớ…?
Qua tìm hiểu về cấu tạo và chức năng của đại não, hs biết được nó là trung tâm của tất cả các phản xạ có điều kiện cấp cao ở người nên phải bảo vệ não tránh bị tổn thương.
Đại não có sự phân vùng chức năng, do đó nếu tổn thương ở vùng này thì sẽ
ảnh hưởng đến chức năng tương ứng.
Gv giáo dục hs ý thức tự giác chấp hành luật an toàn giao thông không gượng ép vì sức khỏe của chính mình.
* Tác hại của thuốc lá, ma túy:
Ví dụ: Bài “Hoạt động hô hấp” có vấn đề đặt ra là:
- Nêu tác hại của khói thuốc lá?
Và để lớp học sinh động hơn giáo viên đố vui: Hút thuốc lá có 3 cái lợi: “không sợ ăn trộm, không sợ chó cắn, không sợ chết già”. Em nào giải thích được?
- Sau khi học sinh trả lời giáo viên bổ sung:
Hút thuốc lá nhiều bị viêm phổi ho nên ban đêm ăn trộm nghe ho tưởng còn thức nên không vào nhà lấy trộm. Viêm phổi, lao phổi hay ung thư phổi người gầy yếu nên đi phải chống gậy, gặp chó xông vào lấy gậy tự vệ nên không sợ chó cắn. Và tất nhiên ung thư phổi thì sẽ chết trẻ đâu còn để già mới chết.
- Qua câu đối vui đó giáo viên giáo dục học sinh rất hóm hỉnh, nhẹ nhàng, để thấy được tác hại của việc hút thuốc lá. Từ đó, em sẽ không hút thuốc lá và vận động, tuyên truyền người thân, bạn bè không hút thuốc lá. Để tăng hiệu quả của việc giáo dục, giáo viên cho học sinh đọc số liệu trên trang báo giáo viên sưu tầm để học sinh hiểu sâu hơn về tác hại của việc hút thuốc lá:
Hình 2. Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe
* Kĩ năng về sức khỏe sinh sản:
Thông qua một số bài và nội dung giáo viên giáo dục các em học sinh biết mình cần phải làm: Sống vô tư, hồn nhiên, tập trung vào học tập, không đua đòi, bồng bột, nhất thời hồ đồ để lại hậu quả đáng tiếc xảy ra.
* Ví dụ 1: Bài tuyến sinh dục
-Nêu những dấu hiệu xuất hiện ở tuổi dậy thì của nam, nữ ?
Trong những biến đổi đó, biến đổi nào là quan trọng cần lưu ý ?
* Ví dụ 2: Bài cơ sở khoa học của các biện pháp tránh thai:
-Nêu rõ những ảnh hưởng của có thai sớm ngoài ý muốn của tuổi vị thành niên? Phải làm gì để điều đó không xảy ra?
Những hậu quả có thể xảy ra khi phải xử lý đối với việc mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên là gì ?
Làm thế nào để tránh được ?
c.2. Kĩ năng sống liên quan đến tự nhận thức, thực hành
* Kĩ năng xây dựng thói quen đúng giờ:
- Em hãy cho ví dụ về một số phản xạ có điều kiện?
- Nêu sự thành lập và ức chế phản xạ có điều kiện?
- Điều đó có ý nghĩa gì?
- Sau khi học sinh cho ví dụ giáo viên điều chỉnh bổ sung từ đó cho các
em thói quen: - Đi ngủ đúng giờ, dậy đúng giờ.
- Đi học đúng giờ.
- Có thời gian biểu học tập.
- Ăn đúng giờ, điều độ.
- Học bài và làm bài đầy đủ trước khi đến lớp
* Kĩ năng giao tiếp, kĩ năng trả lời, kĩ năng giới thiệu bản thân, kĩ năng diễn đạt ý kiến lắng nghe: Kĩ năng này học sinh còn hạn chế rất nhiều. Nhiều em đứng lên phát biểu xây dựng bài nhưng không lặp lại câu hỏi, nội dung diễn đạt không rõ ràng, không thu hút người nghe. Kĩ năng này tôi luôn rèn luyện các em trong suốt quá trình dạy học trong bộ môn sinh 11 nói riêng và tất cả các khối lớp nói chung.
* Kĩ năng ứng xử có văn hóa:
Thời buổi hội nhập, tiếp xúc với những ngôn ngữ không văn hóa qua các trò chơi không lành mạnh và do thói quen nên các em thường xưng hô với bạn bè (tao - mày); với cha mẹ (ông - tui; bà - tui); với cô thầy (bà, cô; ông thầy) thậm chí phát ngôn tự do. Trong từng tiết dạy giáo viên luôn để ý cách trả lời hay những lúc nói chuyện của học sinh trong giờ học, ra chơi mà uốn nắn kịp thời.
Giáo viên luôn để ý đến cách ăn mặc, tác phong, cử chỉ của từng em mà giáo dục cho hợp lý, khéo léo. Bởi lẽ giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người.
*Kĩ năng vận dụng kiến thức đã học vào việc giải thích các hiện tượng trong thực tế đời sống, học tập và sản xuất:
* Ví dụ 1: Bài Cấu tạo và chức năng của da
Vì sao khi mùa hè, da người ta hồng hào, còn mùa đông, nhất là khi trời rét, da thường tái hoặc sởn gai ốc?
=> Qua đó các em hiểu được cơ chế tự điều hòa thân nhiệt là trời lạnh da nổi gai ốc để giữ nhiệt, trời nóng mặt đỏ bừng vì thoát nhiệt.
Hay giáo viên đặt câu hỏi:
Nguyên nhân gây ra hiện tượng tiểu đường.
=> Qua đó các em có biện pháp ăn uống hợp lí, khoa học, không ăn nhiều bánh kẹo, đồ ngọt...
* Ví dụ 2: Bài “Tuần hoàn máu”
- Tại sao khi bước vào phòng thi tim em đập mạnh?
- Để hạn chế điều đó em cần phải làm gì?
Sau khi giải thích xong, giáo viên giáo dục học sinh phải học bài thật tốt thì khi thi mới đạt kết quả cao.
- Tại sao ăn quá mặn hay ăn nhiều dầu mỡ dễ bị huyết áp cao? Khi bị huyết áp cao hoặc huyết áp thấp thí ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe ?
=> Qua đó giáo viên giáo dục học sinh về chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lí.
* Kĩ năng thực hành thông qua bộ môn:
Môn sinh học là môn học thực nghiệm, trực quan. Trong các tiết thực hành giáo viên phải dạy chính xác, khoa học, không cắt xén chương trình để thông qua bộ môn này rèn cho học sinh kĩ năng thực hành, quan sát. Sinh học 8 có nhiều tiết thực hành, theo 4040/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT cấp THCS, THPT ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022 đã tinh giảm một số bài thực hành, nội dung thực hành ngày càng cô đọng, thiết thực, giảm tính hình thức và tăng tính giáo dục kĩ năng sống.
Hình 3. Học sinh tham gia các tiết thực hành
c.3 Kĩ năng điều chỉnh và quản lí cảm xúc, tinh thần, sống lành mạnh, bảo vệ môi trường .
Trong cuộc sống ai cũng muốn mình khỏe mạnh, hạnh phúc nhưng không ai cũng có được điều đó. Bệnh tật, tai nạn luôn rình rập hoặc do thiếu hiểu biết hay một chút nông nổi đã mắc phải căn bệnh quái ác. Thông qua chương trình sinh học 8,9 giáo dục các em biết cách bảo vệ mình và quan tâm, giúp đỡ mọi người chẳng may rơi vào các hoàn cảnh ốm đau, bệnh tật hay lầm lỡ. Biết giúp đỡ bạn bè và kiềm chế..
Hình 4. Hoạt động trồng cây xanh bảo vệ môi trường
d. Rèn luyện năng lực, kĩ năng sống khi tham gia tiết học, chuyên đề có lồng ghép nội dung giáo dục Sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên:
Sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên (SKSS VTN) là một trong những công tác quan trọng để duy trì và nâng cao chất lượng dân số, vì vậy công tác này cũng được thực hiện trường THCS An Thắng nhằm nâng cao sự hiểu biết của học sinh (HS) về bảo vệ, chăm sóc SKSS cho bản thân. Giáo viên đã tích hợp nội dung tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tìm hiểu về HIV/AIDS, KHHGĐ trong các tiết học Sinh 8 - Chương Sinh sản qua các bài:
Bài 60. Cơ quan sinh dục nam
Bài 61. Cơ quan sinh dục nữ
Bài 62. Thụ tinh, thụ thai và sự phát triển của thai
Bài 63. Cơ sở khoa học của các biện pháp tránh thai
Bài 64. Bệnh tình dục.
Bài 65. Đại dịch AIDS - thảm họa của loài người
Nhà trường THCS An Thắng đã kết hợp nội dung trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, hội thi tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tìm hiểu HIV/AIDS, diễn tiểu phẩm thu hút rất nhiều học sinh tham gia... để trang bị cho các em kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tránh được những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến SKSS của bản thân. Cụ thể như nguy cơ quan hệ tình dục sớm dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục hoặc viêm nhiễm phụ khoa do thiếu hiểu biết.
Các hoạt động truyền thông này đã ít nhiều tác động tích cực đến học sinh. Bên cạnh đó việc duy trì vai trò tư vấn viên của giáo viên Sinh học nhà trường cũng đã giúp học sinh được nâng cao hiểu biết, các em được trang bị những kiến thức rất bổ ích về sức khỏe giới tính hay sự biến đổi tâm sinh lý. Từ đó em cảm thấy tự tin hơn trong các mối quan hệ.