UBND HUYỆN AN LÃO
TRƯỜNG THCS AN THẮNG
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHU NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ THÁNG 11
NĂM HỌC 2021 - 2022
Chuyên đề “Sử dụng phương pháp, các kĩ thuật dạy học và giáo dục phẩm chất năng lực học sinh” - Môn Tin học 6.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Chương trình môn Tin học góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung đã được xác định trong mục tiêu chung của Chương trình GDTX cấp THCS. Môn Tin học đóng vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học viên khả năng tìm kiếm, tiếp nhận, mở rộng tri thức và sáng tạo, giúp học viên thích ứng và hoà nhập được với xã hội hiện đại, hình thành và phát triển cho học viên năng lực tin học để học tập, làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Môn Tin học là công cụ hiệu quả hỗ trợ biến việc học thành tự học suốt đời. Môn Tin học trang bị cho học viên hệ thống kiến thức tin học phổ thông gồm ba mạch kiến thức hoà quyện:
–Học vấn số hoá phổ thông nhằm giúp học viên hoà nhập với xã hội hiện đại, sử dụng được các thiết bị số và phần mềm cơ bản thông dụng một cách có đạo đức, văn hoá và tuân thủ pháp luật.
–Công nghệ thông tin và truyền thông nhằm giúp học viên sử dụng và áp dụng hệ thống máy tính giải quyết vấn đề thực tế một cách hiệu quả và sáng tạo. Khoa học máy tính nhằm giúp học viên hiểu biết các nguyên tắc cơ bản và thực tiễn của tư duy máy tính, tạo cơ sở cho việc thiết kế và phát triển các hệ thống máy tính.
2. Mục tiêu cụ thể cấp THCS Chương trình môn Tin học ở cấp THCS sở giúp học viên tiếp tục phát triển năng lực tin học đã hình thành ở cấp tiểu học và hoàn thiện năng lực đó ở mức cơ bản, cụ thể là:
– Giúp học viên phát triển tư duy và khả năng giải quyết vấn đề; biết chọn dữ liệu và thông tin phù hợp, hữu ích; biết chia một vấn đề lớn thành những nhiệm vụ nhỏ hơn; bước đầu có tư duy mô hình hoá một bài toán qua việc hiểu và sử dụng khái niệm thuật toán và lập trình trực quan; biết sử dụng mẫu trong quá trình thiết kế và tạo ra các sản phẩm số; biết đánh giá kết quả sản phẩm số cũng như biết điều chỉnh, sửa lỗi các sản phẩm đó.
– Giúp học viên có khả năng sử dụng các phương tiện, thiết bị và phần mềm; biết tổ chức lưu trữ, khai thác nguồn tài nguyên 306 đa phương tiện; tạo ra và chia sẻ sản phẩm số đơn giản phục vụ học tập, cuộc sống; có ý thức và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, phục vụ cá nhân và cộng đồng.
– Giúp học viên quen thuộc với dịch vụ số và phần mềm thông dụng để phục vụ cuộc sống, học và tự học, giao tiếp và hợp tác trong cộng đồng; có hiểu biết cơ bản về pháp luật, đạo đức và văn hoá liên quan đến sử dụng tài nguyên thông tin và giao tiếp trên mạng; bước đầu nhận biết được một số ngành nghề chính thuộc lĩnh vực tin học. Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, học viên có thể chọn một số chuyên đề học tập tuỳ theo sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp. Những chuyên đề thuộc định hướng Tin học ứng dụng nhằm tăng cường thực hành ứng dụng, giúp học viên thành thạo hơn trong sử dụng các phần mềm thiết yếu, làm ra sản phẩm số thiết thực cho học tập và cuộc sống.
3. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù Học viên hình thành, phát triển được năng lực tin học với năm thành phần năng lực sau đây:
– NLa: Sử dụng và quản lí các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông;
– NLb: Ứng xử phù hợp trong môi trường số;
– NLc: Giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông;
– NLd: Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học;
– NLe: Hợp tác trong môi trường số.
4. Định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đặc thù trong giáo dục tin học Trong quá trình tổ chức dạy học, giáo viên cần:
a) Áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, coi trọng dạy học trực quan và thực hành. Khuyến khích sử dụng phương pháp dạy học theo dự án để phát huy khả năng làm việc nhóm, khả năng tự học và tính chủ động của học viên. Việc dạy học ở phòng thực hành máy tính cần được tổ chức linh hoạt nhằm đem lại cho học viên sự hào hứng, chủ động khám phá, nhưng phải bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.
b) Tuỳ theo nội dung bài, ở mỗi hoạt động, lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Một số chủ đề liên quan trực tiếp đến lập luận, suy diễn logic, tư duy thuật toán và giải quyết vấn đề có thể được dạy học không nhất thiết phải sử dụng máy tính.
c) Gắn nội dung kiến thức với các vấn đề thực tế, yêu cầu học viên không chỉ đề xuất giải pháp cho vấn đề mà còn phải biết kiểm chứng hiệu quả của giải pháp thông qua sản phẩm số.
d) Chú ý thực hiện dạy học phân hoá. Ở cấp THCS, giúp học viên lựa chọn những chủ đề thích hợp, khơi gợi niềm đam mê và giúp học viên phát hiện khả năng của bản thân đối với môn Tin học, chuẩn bị cho sự lựa chọn môn Tin học ở cấp trung học phổ thông. Phương pháp dạy học thực hành rất quan trọng trong các chủ đề định hướng Tin học ứng dụng với mục tiêu rèn luyện và phát triển kĩ năng sử dụng công cụ kĩ thuật số. Phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề phù hợp với nhiều chủ đề của định hướng Khoa học máy tính với mục tiêu phát triển tư duy máy tính cho học viên.
Thực hiện theo mục tiêu mà giáo dục đào tạo đã đề ra, tổ KHTN - trường THCS An Thắng đã làm tốt việc đổi mới phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học. Hàng tháng, giáo viên trong tổ thường xuyên tổ chức những cuộc SHCM để thảo luận, trao đổi những phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học tích cực nhất. Trong chuyên đề thảo luận tháng 11 này chúng ta tiếp tục cùng nhau thảo luận để đưa ra thống nhất cho việc “Sử dụng phương pháp, các kĩ thuật dạy học và giáo dục phẩm chất năng lực học sinh” .
II. CƠ SỞ LÍ LUẬN
1. Phương pháp dạy học
a. Khái niệm PPDH
- PPDH được hiểu là cách thức, là con đường hoạt động chung giữa GV và HS, trong những điều kiện dạy học xác định, nhằm đạt tới mục đích dạy học.
b. Các phương pháp dạy học tích cực:
- Phương pháp vấn đáp, đàm thoại: là phương pháp trong đó GV đặt ra những câu hỏi để HS trả lời, hoặc có thể tranh luận với nhau và với cả GV, qua đó HS lĩnh hội được nội dung bài học.
- Phương pháp dạy học nhóm: Dạy học nhóm còn được gọi bằng những tên khác nhau như: Dạy học hợp tác, dạy học theo nhóm nhỏ, trong đó HS của một lớp học được chia thành các nhóm nhỏ, trong khoảng thời gian giới hạn, mỗi nhóm tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc. Kết quả làm việc của nhóm sau đó được trình bày và đánh giá trước toàn lớp.
- Phương pháp giải quyết vấn đề: Dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề là PPDH đặt ra trước HS các vấn đề nhận thức có chứa đựng mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái chưa biết, chuyển HS vào tình huống có vấn đề , kích thích họ tự lực, chủ động và có nhu cầu mong muốn giải quyết vấn đề.
- Phương pháp đóng vai: là phương pháp tổ chức cho học sinh thực hành, “làm thử” một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định. Đây là phương pháp nhằm giúp HS suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách tập trung vào một sự việc cụ thể mà các em vừa thực hiện hoặc quan sát được. Việc “diễn” không phải là phần chính của phương pháp này mà điều quan trọng là sự thảo luận sau phần diễn ấy.
- Phương pháp trò chơi: là phương pháp tổ chức cho học sinh tìm hiểu một vấn đề hay thể nghiệm những hành động, những thái độ, những việc làm thông qua một trò chơi nào đó.
- Phương pháp quan sát: là PP dạy HS cách Sử dụng các giác quan để tri giác trực tiếp có mục đich các sự vật, hiện tượng diễn ra trong tự nhiên và cuộc sống mà không có sự can thiệp vào quá trình diễn biến của sự vật hiện tượng đó. (tai: nghe; mũi: ngửi; mắt: nhìn; tay: sờ…)
- Phương pháp dự án: Dạy học theo dự án còn gọi là phương pháp dự án, trong đó HS thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, gắn với thực tiễn, kết hợp lí thuyết với thực hành. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao, từ việc lập kế hoạch đến việc thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện dự án. Hình thức làm việc chủ yếu là theo nhóm. Kết quả dự án là những sản phẩm hành động có thể giới thiệu được.
- Phương pháp dạy học dựa trên vấn đề: Trong phương pháp này HS được tiếp cận với vấn đề ngay ở giai đoạn đầu của một đơn vị bài giảng. Vấn đề có thể là một hiện tượng của tự nhiên hoặc là một sự kiện/tình huống đã, đang hoặc có thể sẽ diễn ra trong thực tế và chứa đựng những điều cần được lý giải.
2. Kĩ thuật dạy học
a. Khái niệm KTDH
- Kỹ thuật dạy học: Kĩ thuật dạy học là những biện pháp, cách thức hành động của GV trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học. Các KTDH chưa phải là các PPDH độc lập mà là những thành phần của PPDH. Ví dụ, trong phương pháp thảo luận nhóm có các kĩ thuật dạy học như: kĩ thuật chia nhóm, kĩ thuật đặt câu hỏi, kĩ thuật khăn trải bàn, kĩ thuật phòng tranh, kĩ thuật các mảnh ghép...
b. Các kĩ thuật dạy học tích cực
- Kĩ thuật tia chớp: là một kỹ thuật huy động sự tham gia của các thành viên đối với một câu hỏi nào đó, hoặc nhằm thu thông tin phản hồi nhằm cải thiện tình trạng giao tiếp và không khí học tập trong lớp học, thông qua việc các thành viên lần lượt nêu ngắn gọn và nhanh chóng (nhanh như chớp!) ý kiến của mình về câu hỏi hoặc tình trạng vấn đề.
- Kĩ thuật XYZ: là một kỹ thuật nhằm phát huy tính tích cực trong thảo luận nhóm. X là số người trong nhóm, Y là số ý kiến mỗi người cần đưa ra, Z là phút dành cho mỗi người.
- Kĩ thuật khăn trải bàn: Là hình thức tổ chức hoạt động mang tính hợp tác kết hợp giữa hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm nhằm: - Kích thích, thúc đẩy sự tham gia tích cực - Tăng cường tính độc lập, trách nhiệm của cá nhân HS - Phát triển mô hình có sự tương tác giữa HS với HS
- Kĩ thuật “Các mảnh ghép”: Là hình thức học tập hợp tác kết hợp giữa cá nhân, nhóm và liên kết giữa các nhóm nhằm: Giải quyết một nhiệm vụ phức hợp, kích thích sự tham gia tích cực của HS, nâng cao vai trò của cá nhân trong quá trình hợp tác (Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ ở Vòng 1 mà còn phải truyền đạt lại kết quả vòng 1 và hoàn thành nhiệm vụ ở Vòng 2).
- Kĩ thuật công đoạn: HS được chia thành các nhóm, mỗi nhóm được giao giải quyết một nhiệm vụ khác nhau. Ví dụ: nhóm 1- thảo luận câu A, nhóm 2- thảo luận câu B, ... Sau khi các nhóm thảo luận và ghi kết quả thảo luận vào giấy A0 xong, các nhóm sẽ luân chuyển giấy A0 ghi kết quả thảo luận cho nhau. Cụ thể là: Nhóm 1 chuyển cho nhóm 2, Nhóm 2 chuyển cho nhóm 3, ......
- Kĩ thuật “Trình bày một phút”: Đây là kĩ thuật tạo cơ hội cho HS tổng kết lại kiến thức đã học và đặt những câu hỏi về những điều còn băn khoăn, thắc mắc bằng các bài trình bày ngắn gọn và cô đọng với các bạn cùng lớp.
- Kĩ thuật “Chúng em biết 3”: GV nêu chủ đề cần thảo luận, chia HS thành các nhóm 3 người và yêu cầu HS thảo luận trong vòng 10 phút về những gì mà các em biết về chủ đề này. HS thảo luận nhóm và chọn ra 3 điểm quan trọng nhất để trình bày với cả lớp. Mỗi nhóm sẽ cử một đại diện lên trình bày về cả 3 điểm nói trên.
- Kĩ thuật “Viết tích cực”: GV cũng có thể yêu cầu HS liệt kê ngắn gọn những gì các em biết về chủ đề đang học trong khoảng thời gian nhất định. GV yêu cầu một vài HS chia sẻ nội dung mà các em đã viết trước lớp. Kĩ thuật này cũng có thể sử dụng sau tiết học để tóm tắt nội dung đã học, để phản hồi cho GV về việc nắm kiến thức của HS và những chỗ các em còn hiểu sai.
- Kĩ thuật động não: là một kỹ thuật nhằm huy động những tư tưởng mới mẻ, độc đáo về một chủ đề của các thành viên trong thảo luận. Các thành viên được cổ vũ tham gia một cách tích cực, không hạn chế các ý tưởng (nhằm tạo ra "cơn lốc” các ý tưởng).
* Một số PP/KTDH khác: Nêu và giải quyết vấn đề; Hỏi đáp trong giờ học; Ghi ý kiến lên bảng ; Phỏng vấn nhanh; Lựa chọn đúng sai ...
III. THỰC TRẠNG
* Đối với GV
- Mặc dù GV đã được tập huấn về các phương pháp dạy học, các kĩ thuật dạy học và đã tiến hành thực hiện trong nhiều năm học vừa qua nhưng vẫn có số ít GV còn bỡ ngỡ, chưa hiểu sâu sắc vấn đề nên gặp khó khăn trong việc tổ chức hoạt động dạy học trên lớp và việc thiết kế bài giảng sử dụng những phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực.
- Qua nghiên cứu và thực nghiệm giảng dạy cho thấy một số GV còn e dè, còn “ngại” sử dụng những phương pháp DH, kĩ thuật dạy học tích cực vì để chuẩn bị cho tiết dạy như vậy mất rất nhiều thời gian công sức của cả thầy và trò. Ngoài ra cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho tiết học đòi hỏi cũng phải được đáp ứng.
- Thực tế nhiều giáo viên cũng đã sử dụng phương pháp này, xong việc thiết kế bài dạy chưa chu đáo mặt khác việc tổ chức, quản lí HS trên lớp trong các tiết học chưa sát sao nên hiệu quả đạt được là chưa cao.
* Đối với HS
- Với các phương pháp, kĩ thuật DH tích cực nàỳ đòi hỏi HS phải tự mình tìm tòi khám phá kiến thức, tự mình thực hành , tự mình trải nghiệm…Mà không phải HS nào cũng có đủ độ nhanh nhậy trí thông minh hay sự tự tin.. để làm được việc này.
IV. GIẢI PHÁP
- Với thực trạng trên chúng ta cần áp dụng tích cực hơn nữa các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển năng lực HS trong các bài học, môn học.
- Trong các tiết lên chuyên đề chúng ta nên tích cực sử dụng phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học tích vào dạy thử nghiệm, sau đó thảo luận rồi đi đến thống nhất cách sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.
- Trong lần sinh hoạt này, tổ KHTN thực hiện lên chuyên đề “Sử dụng phương pháp, các kĩ thuật dạy học và giáo dục phẩm chất năng lực học sinh”. Nhóm Tin học vận dụng vào dạy thể nghiệm tiết 12: Bài 6: Mạng thông tin toàn cầu
V. DẠY THỂ NGHIỆM
Người dạy: Đ/c Nguyễn Thị Ánh Tuyết giáo viên trường THCS An Thắng.
Lớp dạy thể nghiệm: 6B
Các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực được sử dụng trong bài dạy: vấn đáp, đàm thoại, nhóm, thuyết trình, KWL, KTB, SĐTD.
Hoạt động 1: Mở đầu (10 phút)
GV tổ chức cho HS chơi trò chơi chiếc nón kì diệu
Luật chơi:
-Chia học sinh trong lớp thành 2 đội chơi
(Dãy ngoài đội A, Dãy trong đội B)
- Một bạn đại diện cho một đội chơi có nhiệm vụ quay chiếc nón kì diệu để biết số điểm đội mình đạt được sau khi trả lời đúng câu hỏi đội mình đã chọn.
(có 4 câu hỏi tương ứng với 4 lượt lựa chọn)
GV sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học: KWL, thuyết trình.
GV sử dụng để giúp HS chia sẻ điều mình đã biết, điều muốn biết, điều học được qua bài học này.
Hoạt động 2: Hình thành kiến thức
1. Tổ chức thông tin trên internet. (15 phút)
- GV sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học: Nhóm, vấn đáp, thuyết trình, KTB.( HS thực hiện KT KTB 5p - chuẩn bị và trình bày).
Hoạt động nhóm: 06 học sinh/1 nhóm
Trả lời các câu hỏi 1,2 trong phiếu học tập 1 trong 3 phút
Câu 1. Thông tin trong một cuốn sách được tổ chức như thế nào?
Câu 2. a. Em đã xem thông tin trên Internet chưa?
b. Trên Internet có những dạng thông tin gì?
Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận
Báo cáo theo từng nhiệm vụ
Mỗi nhóm cử đại diện báo cáo tại chỗ.
Các nhóm còn lại nhận xét – phản biện.
Các nhóm chấm chéo nhau và báo cáo kết quả cho giáo viên.
-> GV chốt.
HS quan sát hình 3.1 và đọc kiến thức mới sgk/23,24
Trả lời các câu hỏi
Câu 1. Trang siêu văn bản là gì?
Câu 2. Mỗi trang Web là gì?
Câu 3. Mỗi Website là gì?
Câu 4. Mỗi Website do ai quản lí?
Trang chủ của Website là gì? Địa chỉ của trang chủ là gì?
Câu 5. Mạng thông tin toàn cầu được tạo thành từ đâu?
GV sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học:KWL, thuyết trình.
GV sử dụng để giúp HS chia sẻ điều mình đã biết
GV chốt kiến thức và thực hiện trên máy tính, lấy các ví dụ cụ thể.
Dựa vào kết quả của phần thảo luận và hoạt động đọc nội dung kiến thức mới cùng với các phát biểu của HS và ví dụ của GV. GV chốt kiến thức cơ bản trong hộp kiến thức. HS đọc hộp kiến thức và ghi bài.
- Thông tin trên Internet được tạo nên từ nhiều trang web kết nối với nhau bởi các liên kết. Mỗi trang web có địa chỉ truy cập riêng
- Website là tập hợp các trang web liên quan và được truy cập thông qua một địa chỉ. Địa chỉ trang chủ chính là địa chỉ của website
- World Wide Web là mạng thông tin toàn cầu, liên kết các website trên Internet.
HS trả lời câu hỏi củng cố kiến thức.
Câu 1. Trang siêu văn bản là:
A. Trang văn bản thường không chứa liên kết
B. Trang văn bản đặc biệt tích hợp nhiều dạng dữ liệu khác nhau và chứa các liên kết.
C. Trang văn bản đặc biệt tích hợp nhiều dạng dữ liệu khác nhau và không chứa các liên kết.
Câu 2.
Hãy nêu địa chỉ một số Website có nội dung phục vụ học tập?
2. Trình duyệt. (7 p)
- GV sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học: Vấn đáp, thuyết trình
- HS làm các bài tập luyện tập
Hoạt động 3: Luyện tập ( 5p)
GV sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học: Vấn đáp, thuyết trình
+ Làm một số bài tập hoặc trả lời câu hỏi.
Hoạt động 4: Vận dụng ( 10p)
GV sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học: dự án
Gv chuyển giao nhiệm vụ học tập
Em hãy sử dụng trình duyệt web để truy cập vào trang web có địa chỉ:
1. https://hoahoctro.tienphong.vn
2. https://vtv7.vtv.vn
HS tiếp nhận nhiệm vụ học tập và hoàn thiện ở nhà.
Trên đây là báo cáo chuyên đề của nhóm Tin học chuyên đề “Sử dụng phương pháp, các kĩ thuật dạy học và giáo dục phẩm chất năng lực học sinh”.
An Thắng, ngày 22 tháng 11 năm 2021
NGƯỜI VIẾT BÁO CÁO
Hoàng Xuân Thảo
XÁC NHẬN CỦA TỔ CHUYÊN MÔN
|
XÁC NHẬN CỦA BAN GIÁM HIỆU
|