Giáo dục STEM là chương trình giáo dục hiện đại và phổ biến tại nhiều nước phát triển. Tại Việt Nam, STEM đã được ứng dụng trong chương trình giảng dạy của nhiều trường trung học và đạt được những thành tích nổi bật. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ còn băn khoăn không biết giáo dục STEM tại trường THCS như thế nào? Có lợi ích gì? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết những thắc mắc này để giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ.
Đặc điểm của giáo dục THCS
Lên lớp 6, số lượng môn học sẽ nhiều hơn và xuất hiện các bộ môn hoàn toàn mới lạ như hóa học hay sinh học. Lượng kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa cũng có độ khó và độ bao phủ rộng, điều này đòi hỏi học sinh phải chăm chú nghe giảng trên lớp và chủ động tự ôn tập tại nhà mới có thể học tốt. Không còn các bài học cộng trừ nhân chia hay các bài văn với câu đơn đơn giản, học sinh sẽ phải tiếp thu một lượng lớn kiến thức toán học phức tạp và môn Ngữ văn thì trở nên khó nhằn, đòi hỏi nhiều tư duy hơn ở phần đọc hiểu, phân tích. Ngoài ra, sự xuất hiện của các môn học mới như Vật lý, Hóa học… với những bài học trừu tượng, khó hiểu chắc chắn sẽ là thử thách lớn đối với các em trong giai đoạn chuyển cấp.
Đặc biệt, khi bước vào cấp 2, đa phần học sinh sẽ bước vào tuổi dậy thì và có sự thay đổi lớn trong tâm lý. Các em sẽ trở nên nhạy cảm hơn, đôi lúc sẽ khó bảo, và dễ bị tác động bởi yếu tố ngoại cảnh. Môi trường học tập mới, bạn bè mới, môn học mới với những áp lực vô hình về điểm số khiến một số học sinh cảm thấy chán nản, dễ sinh ra cảm xúc tiêu cực với việc học tập, đến trường.
Học sinh cấp 2 sẽ có những thay đổi về mặt tâm sinh lý do bước vào tuổi dậy thì
Giáo dục STEM rất phù hợp cho học sinh ở giai đoạn này bởi STEM không chỉ giúp các em chủ động tiếp thu kiến thức và khơi dậy sự hứng thú với môn học, mà còn khiến các em tương tác, hòa đồng với nhau hơn qua các hoạt động giao lưu vui chơi.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã có văn bản triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục THCS. Trường học có thể dạy STEM thông qua việc dạy các môn khoa học theo bài học STEM, tổ chức hoạt động trải nghiệm và nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Đối với hình thức giảng dạy, giáo viên phải thiết kế các bài học STEM để triển khai trong quá trình dạy học các môn học theo hướng tiếp cận tích hợp nội môn hoặc tích hợp liên môn.
Bên cạnh đó, các trường tổ chức không gian trải nghiệm STEM thông qua hình thức câu lạc bộ hoặc các hoạt động thực tế như giới thiệu thư viện học liệu số, thí nghiệm ảo, mô phỏng, phần mềm học tập để học sinh tìm hiểu, khám phá.
Ngoài ra, trường học có thể tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho những học sinh có năng lực, sở thích và hứng thú với các hoạt động tìm tòi, khám phá để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Giáo dục STEM đã được áp dụng tại nhiều trường THCS trên cả nước.