Kính chào các thầy giáo, cô giáo trong cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam!
Hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4 và góp vui với cuộc thi “ Quyển sách tôi yêu”, tôi xin giới thiệu với đồng nghiệp cuốn Người thầy của tác giả Hoàng Đạo Thúy, NXB Hội nhà văn, 2021.
“Một cuốn sách thực sự hay nên đọc trong tuổi trẻ, rồi đọc lại khi đã trưởng thành, và một nửa lúc tuổi già, giống như một tòa nhà đẹp nên được chiêm ngưỡng trong ánh bình minh, nắng trưa và ánh trăng”. (Robertson Davies). Với thầy cô làm trong lĩnh vực giáo dục thì một trong những cuốn sách gối đầu giường theo bước chân ta mỗi ngày là cuốn Nghề thầy của tác giả Hoàng Đạo Thúy. Những dòng chữ thầy viết trong sách có giá trị muôn đời đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Nghề thầy là cuốn sách có giá trị to lớn bởi tác giả đã đưa ra những quan niệm mới mẻ, đúng đắn về mục đích, mục tiêu giáo dục: “Mục đích của chúng ta là đem lũ trẻ con người ta trao cho mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây dựng được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất”. Nhận thức đúng điều này, thầy đã phê phán quan điểm sai lầm: “đi nhà trường để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm thì đủ thứ sung sướng.” Điều này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng là: “hướng cả công trình giáo dục vào một việc tầm thường thì chỉ bổ cho lòng dục, lòng dục ấy sẽ phát rộng và mạnh ra lại thêm không có sức đạo đức ngăn cản thì nguy lắm.”
Bên cạnh đó, cuốn sách như là kim chỉ nam dành cho những người làm cha mẹ trong việc giáo dục con. Thầy đã dạy: “Khi con học nói phải dạy lời hay; đang bế con lại bế trẻ khác để nó sinh lòng ghen tị…” Lời thầy giảng thật thâm thúy, sâu xa. Cha mẹ là những người thầy đầu đời của con; lời nói, việc làm, hành động…của cha mẹ đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc hình thành nhân cách của trẻ. Cha mẹ chỉ nghĩ đơn giản: bế một đứa trẻ khác kèm theo vài lời nói dối kiểu như: “mẹ cưng em bé hơn con này” là để trêu đùa con mình. Nhưng than ôi! Cha mẹ đâu có nghĩ tới việc làm đó đã gieo vào lòng con trẻ hạt giống không tốt là sự ghen ghét, đố kị. Đó là một việc làm tai hại biết bao. Nhìn trong cuộc sống ta thấy, trẻ em thường hay nô đùa nên có đôi lần làm vỡ, làm hỏng đồ đạc. Đã có không ít người bà, người mẹ…vì thương cháu, thương con mà tự nhận lỗi về mình để cháu tránh được đòn roi hay sự trừng phạt của bố. Trẻ được như vậy thì sướng lắm vì có làm hỏng đồ cũng chẳng sao. Người lớn thương trẻ là tốt nhưng thương thế là sai rồi. Chính người lớn đã dạy cho trẻ nhận thức sai lầm: “nói dối là thoát thân; không cho trẻ thấy được trách nhiệm của mình với công việc”. Thay vì nhận lỗi thay trẻ hãy dạy trẻ nói: “Thưa thầy, chính con nhỡ tay làm hỏng đồ rồi. Mong thầy tha lỗi cho con.” Dạy được như vậy là đã giúp trẻ biết nhận lỗi sai, rèn luyện được sự tự tin, dũng cảm….
Một nội dung khá độc đáo của cuốn sách này là năm phần: Đức, Chí, Thể, Chí, Công. Trước khi nói về Đức, thầy có nói về Tâm. Tâm là nguyên khí của một con người, là phần có sẵn và đã tốt rồi. Nó giống như việc mình sinh ra đã có tính Thiện và một số đức tính tốt đẹp khác. Nếu có thêm sự dạy bảo, rèn giũa cộng với cái Tâm trong sáng, tốt đẹp đã có sẵn thì tốt vô cùng. Vậy rèn Đức cho con theo nguyên tắc nào, thầy đã chỉ ra rất rõ: Phải rèn cho trẻ từ khi còn sớm; khi trẻ lớn lên rèn cũng được nhưng vì nó chưa ăn vào tính cách nên sẽ khó khăn hơn. Rèn Đức phải “làm đồng bộ”, phải làm liên tục trong nhiều năm thông qua các bài học và các hoạt động hàng ngày. Cách rèn Đức của thầy cũng rất độc đáo. Khi trò xin nghỉ vì nhà có giỗ hay cha mẹ bị ốm thì khuyến khích học trò làm vì đó là mầm Hiếu của các con. Khi trò lớn hơn thì dạy bảo thêm để trò hiểu sâu sắc hơn về Đức. Đơn giản như món quà lớn nhất ngày Tết mà con cái dành cho cha mẹ là “làm sao cho cha mẹ đỡ lo?”. Làm tốt điều ấy đã là Đức lắm rồi. Có thể thấy, cách tiếp cận của thầy về Đức thật tuyệt vời: đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ những gì bề mặt đến những điều sâu xa bên trong. Điều cốt lõi của đạo đức không phải là lời nói suông mà chính là hành vi của mình; là thói quen tốt – thói quen làm việc Thiện. Song song với Đức thì Chí cũng là một trong những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam ta. Chí có từ lâu đời và phát triển mạnh mẽ trong thời kì đất nước chống giặc ngoại xâm. Ngày nay, ý chí của một số người đã bị thui chột, giảm sút rất nhiều. Quá trình rèn luyện ý chí cho trẻ em không có do nhiều việc làm của trẻ đã có cha mẹ đỡ đầu hoặc người khác làm thay. Nhiều trẻ đi học không hoàn thiện được bài tập mà thầy cô giáo giao cho cứ khất hết lần này đến lần khác. Đến lúc phải nộp bài thì làm cuống cuồng, không nhớ công thức, không nhớ cách làm khiến cho kết quả học tập không đạt như mong muốn. Từ hiện tượng này, có thể thấy khi con người làm một việc gì đó mà không có ý chí, nghị lực thì sẽ không có kết quả tốt. Vậy dạy Chí cho trẻ như thế nào? Thầy đã chỉ ra rất rõ: “Muốn cho trò có chí thì thầy tất phải tự bó buộc mình, quyết có cái chí theo đuổi rèn giũa, dù mệt, dù nản, dù nhiều lần thất bại, dù phụ huynh học trò không hiểu, dù chẳng ai biết cho, dù chính học trò không làm cho việc ta được dễ dàng”. Bên cạnh đó, Thể cũng là một phần quan trọng của mỗi người. Trong cuốn Nghề thầy, tác giả đã chỉ rõ: “Chúng ta vì Tổ Quốc đào tạo những thế hệ thanh niên làm được việc. Chí mạnh cũng nhờ nhiều ở cái thân thể khỏe mạnh, bền vững”. Vì thế phải hết sức lưu tâm đến vệ sinh đủ các cách, làm cho mạnh khỏe luôn mà không ốm. Với các trò thì hãy giữ gìn sức khỏe bằng việc: “ bàn ghế lau luôn, thỉnh thoảng lại rửa; tường quét vôi trong ngoài mỗi năm vài lần, quét mạng nhện vì nó hay tích bụi. Khăn lau bảng thường ẩm cho đỡ bụi bẩn, tập cho trò đừng khạc nhổ bậy phải nhổ vào ống có vôi. Ngoài ra, Trí cũng rất đáng lưu tâm vì “ Muốn được việc ở trong đời thì phải đủ tài làm; một mình không thể tìm ra cho đủ được nên phải tìm trong kho biết của những người đi trước. Vì vậy phải học. Nhưng nếu chỉ học nhồi nhét vào óc mà không thử thách để đem ra dùng thì có ích gì, vậy phải tập. Phải học cho biết, tập cho dùng được, cho trí mình sáng để rồi sau còn thêm vào những thứ đến lượt mình cũng tìm ra. Đó là mục đích giáo dục về Trí. Phương ngôn có câu: “Ra tay gạo xay ra cám”. Muốn trò hoàn hảo thì thầy cô không ngừng rèn Công cho trò. Trong sách, thầy Hoàng Đạo Thúy đã chỉ rõ tác dụng của công là giúp trò: quen sáng kiến, học quen dự bị, quen bền gan, học đúng, học lập chí, tập tính vị tha…Những điều đó thật là bổ ích.
Cuốn sách Người thầy còn hấp dẫn người đọc bởi tác giả đã đưa ra nhiều phương pháp giáo dục hay, mới mẻ, độc đáo, hàm chứa nhiều triết lý sâu sắc và có tính thực tiễn cao. Thầy đã chỉ rõ “Phương pháp làm gương là hay lắm. Chúng ta cố giữ lấy mình mà không thiệt gì đâu. Lòng tôn kính của học trò, những kết quả sau này sẽ đền bù cho chúng ta” hay “Lúc bé rèn trò thói quen sạch, thói quen vâng lời. Nhớn một chút gây lấy thói quen làm thiện, thói liêm sỉ. Làm cho có những thói quen, đó là một cách rất tốt trong việc giáo dục”.
Không chỉ có vậy, cuốn sách còn được mọi người yêu mến bởi tác giả đã đề cập đến vai trò, sứ mệnh của người Thầy trong việc giáo dục thế hệ trẻ và chỉ ra các cách làm để người Thầy hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình. “Ông giáo đã thấy rằng mình đủ lòng yêu trẻ, mình đủ lòng tin ở vận mệnh nước mình, ở xã hội này có thể thái bình và tốt đẹp được thì cả quyết rằng việc giáo dục thanh niên là việc mình, là cả đời mình. Cái nghề ấy nếu mình cố làm cho đầy đủ, mình gắng làm cho có ích hơn lên, sẽ đủ làm cái vinh hiển trong đời mình” hay “Đầu năm, thầy nên có một chương trình công việc cả năm. Học trò ở mực này ta định dắt đến mực nào. Có những thói quen này nên trừ, tập cho nết tốt này mới. Những truyện thất bại năm ngoái năm nay đổi thế trận ra sao…”
Còn biết bao điều thú vị mà cuốn sách đã mang đến cho độc giả.“ Cho dù chỉ là một cuốn sách mỏng, viết dưới dạng những lời tâm sự, chia sẻ về chuyện nghề của một người thầy cả đời tâm huyết hơn là một công trình khảo cứu công phu của một học giả chủ trương lập thuyết, nhưng kỳ lạ thay, đa số những vấn đề mà tác giả đặt ra, bàn luận, hướng dẫn cho đến hôm nay vẫn chưa hề cũ, thậm chí là còn rất mới, thậm chí nhiều giáo viên đương đại còn chưa với tới – Nguyễn Quốc Vương.”